Cơ cấu tổ chức

Công ty Quản lý tài sản (VAMC) được quản lý và vận hành bởi đội ngũ cán bộ có nhiều kinh nghiệm từ NHNN Việt Nam, các Ngân hàng thương mại Việt Nam.

Theo Quyết định số 1699/QĐ-TTg ngày 27/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ, VAMC được chấp thuận tăng vốn điều lệ lên mức 5.000 tỷ đồng.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, xác định nhiệm vụ quan trọng của Công ty VAMC đối với mục tiêu lành mạnh hóa tài chính và giảm thiểu rủi ro cho các tổ chức tín dụng/khách hàng vay vốn, toàn thể đội ngũ cán bộ VAMC luôn phấn đấu không ngừng, quyết tâm cao nhằm tạo ra những đóng góp tích cực vào hoạt động xử lý nợ xấu, thúc đẩy sự phát triển tín dụng hợp lý, hỗ trợ khách hàng tháo gỡ khó khăn và phát triển sản xuất kinh doanh.

Theo Luật Doanh nghiệp và Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18/05/2013 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (sau đây gọi tắt là Công ty Quản lý tài sản). Công ty Quản lý tài sản là đơn vị trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện các chức năng Mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng; Thu hồi nợ, đòi nợ và xử lý, bán nợ, tài sản bảo đảm; Cơ cấu lại khoản nợ, điều chỉnh điều kiện trả nợ, chuyển nợ thành vốn góp, vốn cổ phần của khách hàng vay; Đầu tư, sửa chữa, nâng cấp, khai thác, sử dụng, cho thuê tài sản bảo đảm đã được Công ty Quản lý tài sản thu nợ; Quản lý khoản nợ xấu đã mua và kiểm tra, giám sát tài sản bảo đảm có liên quan đến khoản nợ xấu, bao gồm cả tài liệu, hồ sơ liên quan đến khoản nợ xấu và bảo đảm tiền vay; Tư vấn, môi giới mua, bán nợ và tài sản; Đầu tư tài chính, góp vốn, mua cổ phần; Tổ chức bán đấu giá tài sản; Bảo lãnh cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân vay vốn của tổ chức tín dụng; Hoạt động khác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của VAMC sau khi được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho phép.

Căn cứ vào Quyết định số 1459/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành ngày 27/06/2013 về “ Quyết định về việc thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý tài sản của các Tổ chức tín dụng Việt Nam quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Công ty Quản lý tài sản. Ngày 05/01/2018, Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 28/QĐ-NHNN về việc phê duyệt Đề án cơ cấu lại và nâng cao năng lực của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam giai đoạn 2017 – 2020 và hướng tới 2022. Theo đó, VAMC có 12 đơn vị trực thuộc (bao gồm 09 Ban, 01 Văn phòng giúp việc HĐTV, 01 chi nhánh TP Hồ Chí Minh và 01 Sàn giao dịch nợ) quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Ban/ đơn vị thuộc VAMC như sau:

Ban Mua và Quản lý nợ (gọi tắt là Ban 1) có chức năng, nhiệm vụ tham mưu cho Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc: Xây dựng kế hoạch và cơ chế nghiệp vụ liên quan đến hoạt động mua, quản lý và xử lý nợ theo quy định của pháp luật đối với các khoản nợ xấu mua bằng trái phiếu đặc biệt; Hoạt động nghiệp vụ liên quan đến mua, quản lý và xử lý nợ đối với các khoản nợ xấu mua bằng trái phiếu đặc biệt; Phối hợp, hướng dẫn Chi nhánh thực hiện các hoạt động nghiệp vụ thuộc chức năng, nhiệm vụ của Ban.

Ban Kế hoạch và Quản lý rủi ro (gọi tắt là Ban 2), có chức năng, nhiệm vụ tham mưu cho Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc: Hoạch định chiến lược, xây dựng kế hoạch hoạt động của VAMC; Thực hiện công tác báo cáo thống kê của VAMC; Thẩm định hoạt động mua, bán nợ theo giá trị thị trường, đánh giá rủi ro trong hoạt động của VAMC, cảnh báo, kiểm soát rủi ro đối với hoạt động mua, bán, xử lý nợ mua theo giá trị thị trường và các hoạt động khác của VAMC, đề xuất các biện pháp phòng ngừa để đảm bảo hoạt động của VAMC trong giới hạn an toàn, xem xét, đề xuất việc trích lập, sử dụng dự phòng rủi ro trong hoạt động của VAMC; Huy động vốn cho VAMC; Phối hợp, hướng dẫn các Chi nhánh thực hiện các hoạt động nghiệp vụ thuộc chức năng nhiệm vụ của Ban.

Ban Đầu tư và Mua bán nợ thị trường (gọi tắt là Ban 3) có chức năng, nhiệm vụ tham mưu cho Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc: Xây dựng kế hoạch, cơ chế nghiệp vụ liên quan đến hoạt động mua, quản lý và xử lý nợ xấu đối với các khoản nợ xấu mua theo giá trị thị trường và hoạt động đầu tư, môi giới, bảo lãnh theo quy định của pháp luật; Hoạt động nghiệp vụ liên quan đến mua, quản lý, xử lý nợ xấu đối với các khoản nợ xấu mua theo giá trị thị trường và hoạt động đầu tư, môi giới, bảo lãnh theo quy định của pháp luật; Hoạt động hợp tác đầu tư trong quá trình thực hiện mua, quản lý và xử lý nợ; Phối hợp, hướng dẫn các Chi nhánh thực hiện các hoạt động nghiệp vụ thuộc chức năng nhiệm vụ của Ban.

Ban Đấu giá tài sản có chức năng, nhiệm vụ tham mưu cho Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc: Xây dựng kế hoạch liên quan đến hoạt động bán đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật về đấu giá; Xây dựng quy chế, quy trình và các quy định nội bộ khác về nghiệp vụ liên quan đến hoạt động bán đấu giá tài sản; Tổ chức, thực hiện các hoạt động nghiệp vụ liên quan đến bán đấu giá tài sản.

Ban Pháp chế có chức năng tham mưu cho Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc về những vấn đề pháp lý liên quan đến chính sách, chế độ và hoạt động của VAMC nhằm tuân thủ đúng quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn, phòng tránh những rủi ro pháp lý có thể phát sinh trong quá trình hoạt động của VAMC; Tham mưu cho các đơn vị trong hệ thống những vấn đề pháp lý liên quan đến các hoạt động và nghiệp vụ của VAMC; Hướng dẫn, chỉ đạo việc áp dụng pháp luật, phổ biến kiến thức pháp luật trong toàn hệ thống VAMC.

Ban Kiểm tra – Giám sát có chức năng tham mưu cho Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc trong việc thực hiện chức năng giám sát, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, tuân thủ quy trình, qui định, chính sách nội bộ, thủ tục đã được ban hành trong nội bộ VAMC; xây dựng kế hoạch, nội dung kiểm tra, giám sát các hoạt động ủy quyền của VAMC cho tổ chức tín dụng; Đề xuất các kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả của hệ thống quy trình, quy định, góp phần bảo đảm VAMC hoạt động thông suốt, an toàn, hiệu quả, đúng pháp luật.

Ban Công nghệ thông tin có chức năng tham mưu cho Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc: Hoạch định, xây dựng chiến lược, kế hoạch và chương trình phát triển CNTT và truyền thông của VAMC; Quản lý, vận hành và phát triển hệ thống CNTT gồm: Cơ sở vật chất, thiết bị phần cứng, phần mềm ứng dụng,… của VAMC đảm bảo hoạt động an toàn, liên tục, thông suốt và hiệu quả. Đầu mối quản lý toàn bộ hệ thống CNTT bảo đảm thống nhất trong toàn hệ thống VAMC và cung cấp, chuyển giao các hệ thống CNTT với các đơn vị ngoài hệ thống VAMC; Nghiên cứu, xây dựng, phát triển và bảo trì các ứng dụng CNTT phục vụ hoạt động VAMC; Hỗ trợ các đơn vị trong VAMC về CNTT trong việc khai thác, vận hành các chương trình ứng dụng; Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực CNTT và sử dụng CNTT cho toàn bộ hệ thống đáp ứng yêu cầu triển khai các dự án CNTT; Kiểm tra, giám sát hoạt động CNTT tại các đơn vị trong VAMC, đảm bảo sự tuân thủ, an toàn và hiệu quả.

Ban Tài chính – Kế toán có chức năng tham mưu cho Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc trong lĩnh vực tài chính, xây dựng cơ bản, tài sản cố định, tổ chức công tác hạch toán kế toán, phân tích hoạt động kinh doanh, quản lý vốn và tài sản của VAMC; tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra công tác tài chính kế toán trong toàn VAMC.

Ban Hành chính – Nhân sự có chức năng tham mưu cho Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc trong công tác Tổ chức cán bộ, Hành chính quản trị và Thư ký tổng hợp của VAMC; tổ chức, kiểm tra các đơn vị thực hiện các quy định, quy chế, quy trình, nội quy lao động và các chế độ chính sách liên quan đến người lao động.

Văn phòng giúp việc Hội đồng thành viên là đơn vị thuộc bộ máy tham mưu, giúp việc cho Hội đồng thành viên, có chức năng xây dựng chương trình, nội dung làm việc của Hội đồng thành viên, các thành viên Hội đồng thành viên. Giúp Hội đồng thành viên theo dõi tình hình thực hiện các Nghị quyết, Quyết định của Hội đồng thành viên; tổng hợp và cung cấp các thông tin cho Hội đồng thành viên trong quản lý, điều hành hoạt động các đơn vị thuộc bộ máy tổ chức của VAMC; kiểm tra việc tuân thủ chương trình công tác, quy chế điều hành của Hội đồng thành viên đối với Ban Điều hành, các Ban tại Trụ sở chính và các đơn vị thành viên.

Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị thuộc Công ty Quản lý tài sản có chức năng, nhiệm vụ đại diện cho Trụ sở chính Công ty để xử lý nợ, thực hiện mua, bán nợ theo giá trị thị trường và quản lý tài sản của VAMC tại thành phố Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam; và các nhiệm vụ khác theo quy định về quy chế tổ chức và hoạt động của Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam – Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh.

Sàn giao dịch nợ VAMC là đơn vị thuộc Công ty Quản lý tài sản, các hoạt động chính của Sàn giao dịch nợ gồm: Tạo lập kho dữ liệu về nợ xấu, tài sản bảo đảm (TSBĐ) của khoản nợ xấu từ đó giới thiệu, cung cấp thông tin chính thức, khách quan về khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu trên cơ sở hồ sơ, tài liệu do khách hàng cung cấp. Tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng, các nhà đầu tư quan tâm tiếp cận thông tin, kết nối các giao dịch về nợ xấu, TSBĐ của khoản nợ xấu; thực hiện dịch vụ tư vấn đối với khoản nợ xấu, TSBĐ của khoản nợ xấu về: hồ sơ pháp lý; điều kiện, phương thức mua bán, xử lý; phân tích, đánh giá, tư vấn về pháp lý, rủi ro của khoản nợ xấu, TSBĐ của khoản nợ xấu; hoàn thiện hợp đồng mua, bán và hồ sơ tài liệu liên quan…; thực hiện dịch vụ môi giới mua, bán khoản nợ xấu, TSBĐ của khoản nợ xấu: đàm phán để các bên thống nhất việc mua, bán; thu xếp và tổ chức cho các bên ký hợp đồng và hỗ trợ các bên hoàn tất các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật…